Người dân thôn Suối Rè quanh năm bán sức lao động ra thị trấn, ra Hà Nội. Bộ phận ở lại thì ” bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Cuộc mưu sinh làm họ không còn sức lực, thời gian quan tâm tới học hành, tới sự phát triển văn hóa tinh thần của con cái cũng như chính họ. Bên cạnh đó, sự gia tăng cách biệt giữa thành thị với nông thôn do quá trình bùng nổ đô thị và phát triển kinh tế đã khiến mối liên hệ cộng đồng ngày càng lỏng lẻo và có nguy cơ tan rã. Tại các thôn bản vùng núi, trung du những không gian sinh hoạt cộng đồng, những trường lớp mẫu giáo, trạm thông tin, thư viện vẫn là thứ xa xỉ, nếu có thì hết sức tạm bợ, rơi vào hình thức, không bản sắc. Mô hình Nhà cộng đồng đa năng thôn Suối Rè, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình ra đời trong bối cảnh như vậy. Công trình có phong thủy đắc địa, thế tựa sơn, tránh gió bão, lũ quét, mặt hướng thẳng ra thung lũng. Cấu trúc không gian tổng thể theo lớp. Lớp trước là khoảng sân thoáng, nơi diễn ra các hoạt động ngoài trời. Không gian sinh hoạt chính ở lớp giữa, gồm hai tầng. Tầng trên là nhà trẻ, lớp mẫu giáo kết hợp thư viện, hội họp thôn…, các chức năng đan xen linh hoạt. Hàng hiên rộng gắn liền vạt cỏ xanh, tầm nhìn tít tắp. Tầng trệt ăn vào khoảng lõm triền dốc, tận dụng địa nhiệt, tránh gió đông bắc, hút gió địa hình đông nam nên nhà ấm về đông, mát về hè. Không gian mở ra lớp sau, hướng lên núi và rừng tre. Dân làng tụ họp, tổ chức làm nghề phụ, nhất là trẻ con, người già có thể sinh hoạt ở tầng trệt trong những ngày giá rét hay nắng gắt… Ý tưởng tạo đường hầm đối lưu gió, khoảng elip thông tầng, những bậc cỏ, triền vát, mái lấy sáng – tất cả cùng kết nối không gian trước – sau, trong – ngoài, trên – dưới thành chuỗi không gian mở liên hoàn. Từ bao đời, người Kinh và người Mường chung sống hòa thuận trên mảnh đất giao thoa văn hóa. Do vậy, hình thái công trình vừa kế thừa cấu trúc nhà năm gian Bắc bộ, vừa thấp thoáng nếp nhà sàn Mường. Giải pháp kết cấu đơn giản, tiết kiệm, vật liệu địa phương sẵn có, theo nguyên tắc: Thống nhất trong tương phản đa dạng. Tầng trệt xây đá gồ ghề, thô, kết hợp cửa tre, trần trúc tinh, mảnh tạo ấm cúng, cân bằng. Tầng trên trình đất nâu mịn. Đá đất nặng ở dưới, vì kèo tre, lợp lá nhẹ phía trên. Hệ thống pin mặt trời, bể thu lọc nước mưa, năng lượng địa nhiệt, gió địa hình, đèn led tiết kiệm điện, bể phốt 5 khoang không ô nhiễm môi trường. Một chuỗi thử nghiệm những giải pháp kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện. Dân làng Suối Rè trực tiếp dựng ngôi nhà và chính họ sẽ thụ hưởng hiệu quả không gian và tiện ích của từng yếu tố: Đá, đất, tre, lá, không khí, gió, nắng, âm thanh núi rừng. Hy vọng công trình đi vào hoạt động sẽ tăng cường sợi dây liên hệ cộng đồng, góp phần củng cố, duy trì, phát triển bản sắc khu vực. Đây là một hướng đi, có thể rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình cho các vùng nông thôn đồi núi phía Bắc. Hoàn thành: 12 – 2010 Diện tích đất: 2500m2 Diện tích xây dựng: 180m2 Chiều cao: 7m Vật liệu: Đất, đá, tre, lá Chức năng: Nhà cộng đồng, nhà trẻ, trạm thông tin, nơi khám sức khỏe định kỳ. -Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2010 -Lọt vào shortlist của giải thưởng Barbara Cappochin Prize 2011 – UIA (Italia). Top 5 của giải thưởng Gold Medal (đứng thứ 2 ) trao cho công trình thể hiện sự đổi mới công nghệ và tiết kiệm năng lượng. -Top 40 of International Projects. -Top 20 of Best Detail. -Giải thưởng kiến trúc xanh châu Á : FuturArc Green Leadership Award 2011 (Singapore). -Giải thưởng cuộc vận động sáng tác “Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” 2010. -Shortlist hạng mục số 1- Civic and Community tại World Architecture Festival – Barcelona 2011. -Đề cử giải thưởng “ Khi tổ quốc cần” của TƯ Hội LHTN Việt Nam 2011. -Công trình từng được công bố trên Arch Daily (USA), C3 Magazine (Korea), FuturArc (Singapore), Inhabitat (USA) -Tham gia Triển lãm tại đại hội UIA-Tokyo tháng 9-2011. -Triển lãm và thuyết trình tại World Architecture Festival- Barcelona tháng11-2011. -Book – Green Architecture in Asia (tháng 1-2012). Ngoài ra công trình cũng đã được đăng tải trên nhiều báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình trong nước…

This entry was posted in Giải thưởng, Văn hóa, cộng đồng. Bookmark the permalink.